thay đổi giấy phép kinh doanh

Quy định & thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh mới nhất 2022

Bài viết hay

Thay đổi giấy phép kinh doanh là thủ tục hành chính được thực hiện khi doanh nghiệp muốn thay đổi, điều chỉnh thông tin được ghi nhận trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hoặc trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Vậy những trường hợp nào cần phải thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh? Hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh bao gồm những gì? Thủ tục thay đổi được thực hiện như thế nào? Tất cả sẽ được cập nhật chi tiết trong nội dung bài viết sau đây!

Những trường hợp cần thay đổi giấy phép kinh doanh

Tùy vào nhu cầu, mục đích kinh doanh, định hướng phát triển hoặc những phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp sẽ cần làm thủ tục đăng ký thay đổi thông tin trên giấy đăng ký kinh doanh. Theo đó, những trường hợp mà doanh nghiệp có thể thay đổi giấy phép kinh doanh bao gồm:

  • Thay đổi tên công ty.
  • Thay đổi địa chỉ.
  • Thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh.
  • Tăng, giảm vốn điều lệ. 
  • Thay đổi thành viên công ty, chủ sở hữu công ty.
  • ​Thay đổi đại diện pháp luật.
  • ​​​Thay đổi loại hình công ty.

Hồ sơ thay đổi giấy phép kinh doanh gồm những gì?

Trước khi thực hiện các bước trong thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ. Tùy thuộc vào nội dung doanh nghiệp muốn thay đổi mà hồ sơ thay đổi Giấy phép kinh doanh sẽ có sự khác nhau. Cụ thể:

Hồ sơ thay đổi địa chỉ trụ sở công ty

Việc thay đổi trụ sở công ty sẽ thường sẽ phức tạp hơn so với thay đổi những nội dung khác. Tùy vào từng trường hợp thay đổi trụ sở mà doanh nghiệp sẽ chuẩn bị bộ hồ sơ riêng. Cụ thể:

Trường hợp 1: Thay đổi trụ sở chính sang quận, huyện, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nơi đặt trụ sở chính dẫn đến việc thay đổi cơ quan thuế quản lý. Hồ sơ cần chuẩn bị gồm có: 

Tại cơ quan thuế nơi chuyển đi:

  • Tờ khai điều chỉnh, bổ sung thông tin đăng ký thuế (Mẫu số 08-MST).
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Tại cơ quan thuế nơi chuyển đến:

  • Văn bản đăng ký chuyển địa điểm tại cơ quan thuế nơi người nộp thuế chuyển đến (Mẫu số 30/ĐK-TCT).
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trường hợp 2: Thay đổi trụ sở chính sang địa điểm khác trong cùng quận và không làm thay đổi cơ quan thuế quản lý. Hồ sơ bao gồm:

  • Thông báo thay đổi địa chỉ công ty.
  • Biên bản họp, Quyết định về việc thay đổi trụ sở chính tùy theo loại hình doanh nghiệp tương ứng.
  • Giấy ủy quyền (Trường hợp người nộp hồ sơ không phải chủ sở hữu hoặc đại diện theo pháp luật).
Hồ sơ thay đổi giấy phép kinh doanh gồm có những gì?
Hồ sơ thay đổi giấy phép kinh doanh gồm có những gì?

Hồ sơ thay đổi tên công ty

  • Thông báo thay đổi nội dung ĐKKD;
  • Quyết định của chủ sở hữu, hội đồng thành viên hoặc hội đồng quản trị;
  • Biên bản họp của hội đồng thành viên hoặc hội đồng quản trị về việc thay đổi tên công ty;
  • Thông báo mẫu dấu;
  • Giấy ủy quyền (Trường hợp người nộp hồ sơ không phải chủ sở hữu hoặc đại diện theo pháp luật).

Hồ sơ thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh

  • Thông báo thay đổi ngành nghề kinh doanh;
  • Quyết định của chủ sở hữu, hội đồng thành viên hoặc hội đồng quản trị;
  • Biên bản họp của hội đồng thành viên hoặc hội đồng quản trị về việc thay đổi hoặc bổ sung ngành nghề kinh doanh;
  • Giấy ủy quyền (Nếu người nộp hồ sơ không phải chủ sở hữu hoặc đại diện theo pháp luật).

Hồ sơ thay đổi vốn điều lệ

  • Thông báo thay đổi vốn điều lệ;
  • Quyết định của chủ sở hữu, hội đồng thành viên hoặc hội đồng quản trị;
  • Thông báo cập nhật số điện thoại (trường hợp công ty chưa cập nhật);
  • Giấy xác nhận việc góp vốn của các thành viên mới (trong trường hợp có thành viên mới tham gia góp vốn);
  • CMND/CCCD/hộ chiếu của thành viên mới;
  • Giấy ủy quyền (Nếu người nộp hồ sơ không phải chủ sở hữu hoặc đại diện theo pháp luật).
Thay đổi đăng ký kinh doanh cần chuẩn bị hồ sơ gì?
Thay đổi đăng ký kinh doanh cần chuẩn bị hồ sơ gì?

Hồ sơ thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty

  • Thông báo thay đổi người đại diện pháp luật của công ty;
  • Quyết định của chủ sở hữu, hội đồng thành viên hoặc hội đồng quản trị;
  • Biên bản họp của hội đồng thành viên về việc thay đổi người đại diện pháp luật của công ty;
  • CMND/CCCD/hộ chiếu của người đại diện pháp luật dự kiến thay đổi;
  • Giấy ủy quyền (Nếu người nộp hồ sơ không phải chủ sở hữu hoặc đại diện theo pháp luật).

Thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh cập nhật mới nhất

Trình tự, thủ tục thay đổi giấy đăng ký kinh doanh được thực hiện như sau:

Bước 1: Xác nhận nghĩa vụ thuế

Bước này chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp thay đổi trụ sở chính khác quận, tỉnh. Theo đó, trước khi thực hiện các thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp cần xác nhận nghĩa vụ thuế với Cơ quan thuế cũ. Khi đã được cơ quan thuế cấp giấy xác nhận thì doanh nghiệp mới bắt đầu thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh.  

Thực hiện xác nhận nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp thay đổi trụ sở chính khác quận, tỉnh
Thực hiện xác nhận nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp thay đổi trụ sở chính khác quận, tỉnh

Bước 2: Soạn thảo hồ sơ

Doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh tùy vào từng trường hợp đã đề cập phía trên. 

Bước 3: Nộp hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh 

Doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty đặt trụ sở chính. Ngoài ra, hồ sơ thay đổi giấy phép kinh doanh có thể nộp trực tuyến tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh https://dangkyquamang.dkkd.gov.vn/. 

Các tổ chức/cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật để thực hiện giao dịch điện tử hoặc sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh để thực hiện thay đổi đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

Hoàn tất thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh
Hoàn tất thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh

Bước 4: Nhận kết quả thay đổi đăng ký kinh doanh

Trong vòng 3 ngày làm việc tính từ khi nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành bổ sung, thay đổi thông tin của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ được cấp một trong những giấy tờ pháp lý sau:

  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới;
  • Giấy xác nhận thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp.

Trường hợp hồ sơ bị từ chối do chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ gửi thông báo để doanh nghiệp thực hiện sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu. 

Trên đây là cập nhật mới nhất về hồ sơ, thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh. Hy vọng những thông tin chia sẻ từ Công ty Cổ phần Long Hậu sẽ giúp ích cho các tổ chức/cá nhân đang có nhu cầu điều chỉnh, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *