Vốn cố định là gì? Quy định về vốn cố định tại Việt Nam

Chưa được phân loại

Vốn cố định là nguồn đầu tư không thể thiếu trong quá trình doanh nghiệp thành lập và phát triển. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hiểu rõ về nguồn vốn này. Vậy vốn cố định là gì? Làm thế nào để sử dụng nguồn vốn hiệu quả nhất? Tất cả các thông tin sẽ được triluat.com cung cấp qua bài viết dưới đây.

Vốn cố định là gì?

Hiện nay trên thế giới xuất hiện rất nhiều khái niệm liên quan đến vốn cố định. Tuy nhiên theo Luật doanh nghiệp Việt Nam, vốn cố định được xác định bằng tổng giá trị tài sản tính bằng tiền đầu tư cho việc mua sắm hoặc xây dựng các trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh. Đây được xem là phần tài sản tạm ứng trước, bởi nếu sử dụng tốt và đạt hiệu quả thì sẽ không bị mất đi mà doanh nghiệp sẽ thu hồi lại ngay sau khi hàng hóa đã được tiêu thụ.

Doanh nghiệp dùng vốn cố định chủ yếu đầu tư vào tài sản cố định để phục vụ cho việc sản xuất và kinh doanh. Căn cứ vào hình thái tồn tại, tài sản cố định xuất hiện dưới hai dạng:

  • Tài sản cố định hữu hình: Đây là những tư liệu có hình thái vật chất cụ thể, tham gia vào nhiều quá trình kinh doanh nhưng vẫn giữ nguyên trạng thái ban đầu như nhà cửa, kiến trúc, máy móc, thiết bị, nhà xưởng, phương tiện vận tải,… Trong quá trình sử dụng, tài sản có thể bị hư hại hoăc hao mòn do bị ảnh hưởng bởi các yếu tố về thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn,…
  • Tài sản cố định vô hình: Theo quy định của Bộ Tài chính, tài sản vô hình không tồn tại dưới dạng vật chất cụ thể, không thể xác định chính xác giá trị tiền mặt nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng đầy đủ tất cả các tiêu chuẩn. Có thể kể đến một số hình thái tài sản cố định vô  hình được dùng phổ biến như bằng phát minh, bằng sáng chế,…
Vốn cố định là gì
Vốn cố định là nguồn đầu tư không thể thiếu

Đặc điểm của vốn cố định

Dựa vào khái niệm vốn cố định là gì? Chúng ta có thể liệt kê một số đặc điểm nổi bật về loại vốn này như sau:

  • Vì vốn cố định được tồn tại dưới dạng tài sản cố định nên có thời gian sử dụng lâu. Chính vì vậy nó sẽ tham gia vào nhiều kỳ kinh doanh của doanh nghiệp. Tài sản cố định thường có tính thanh khoản thấp nên không dễ dàng bán lại được. Nó chỉ có thể rút khỏi doanh nghiệp (thanh lý) khi công ty bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
  • Vốn cố định là một nguồn tài sản quan trọng của doanh nghiệp. Tuy nhiên nó cũng mang lại rất nhiều rủi ro xuất phát từ khấu hao tài sản, chi phí sửa chữa và bảo dưỡng định kỳ.
  • Vốn cố định được luân chuyển theo từng phần và từng giai đoạn vào quá trình kinh doanh. Cụ thể, khi tham gia vào hoạt động sản xuất, một phần vốn cố định được luân chuyển và trở thành một khoản chi phí sản xuất tương ứng với phần hao mòn.
  • Sau mỗi chu kỳ sản xuất, phần vốn cố định được luân chuyển vào giá trị sản phẩm dưới dạng phần khấu hao được tăng lên, còn phần vốn đầu tư ban đầu lại bị giảm xuống. Vốn đầu tư chỉ được tính hoàn thành một vòng luân chuyển khi toàn bộ phần khấu hao được chuyển hết vào giá trị sản phẩm.

>>> Tìm hiểu thêm: Vốn điều lệ là gì? Quy định về vốn điều lệ của công ty

Vốn cố định có thời gian sử dụng lâu
Vốn cố định có thời gian sử dụng lâu

Vốn cố định được hình thành từ những nguồn nào?

Việc đầu tư vào nguồn vốn luôn là mối quan tâm hàng đầu nhằm duy trì hoạt động kinh doanh lâu dài của doanh nghiệp. Vì vậy việc xác định nguồn gốc các khoản đầu tư và nhận tài trợ từ bên ngoài là yếu tố vô cùng quan trọng.

Nguồn tài trợ vốn từ bên ngoài

Các chủ đầu tư có thể huy động nguồn vốn từ các tổ chức bên ngoài công ty để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các nguồn vốn đó có thể xuất phát từ nhiều đơn vị khác nhau. Cụ thể:

  • Vốn liên doanh: Đây là nguồn vốn được hình thành từ việc công ty trong nước góp vốn vào doanh nghiệp nước ngoài để thành lập một cơ sở kinh doanh mới. Mức độ góp vốn không được quy định cụ thể mà chỉ căn cứ vào thỏa thuận giữa các bên tham gia.
  • Vốn vay: Doanh nghiệp sẽ bổ sung vốn của mình bằng cách đi vay từ nhiều nguồn khác nhau như nhà nước, ngân hàng, các tổ chức kinh tế,… Có thể vay vốn thông qua các hình thức khác nhau: tín dụng ngân hàng, phát hành chứng khoán, vốn chiếm dụng. Hiệu quả của quá trình huy động vốn vay phụ thuộc rất nhiều vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ,…

Nguồn vốn nội bộ

Đây là nguồn vốn đầu tư được huy động từ chính bản thân doanh nghiệp. Nguồn vốn bên trong thể hiện khả năng xoay sở tài chính của nội bộ tổ chức. Vốn nội bộ doanh nghiệp được hình thành từ:

  • Nhà nước cấp vốn từ ngân sách: Nguồn vốn này chỉ dành cho những doanh nghiệp Nhà nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khác cũng có thể nhận được nguồn vốn từ ngân sách này trong một số trường hợp cần thiết, tuy nhiên thường giá trị nhận được lại không lớn. Trợ cấp vốn từ ngân sách nhà nước có thể diễn ra dưới nhiều hình thức như bằng tiền, tài sản, các chính sách miễn giảm thuế,…
  • Vốn doanh nghiệp tự có: Đối với các tổ chức mới thành lập vốn tự có chủ yếu được tính bằng lượng tài sản dùng để thành lập doanh nghiệp. Còn đối với các công ty đã thành lập lâu năm, ngoài phần vốn ban đầu còn thêm phần lợi nhuận thu được sau khoảng thời gian kinh doanh.

>>> Xem thêm: Cách làm các loại báo cáo thuế theo quý

Vốn cố định hình thành từ ngân sách nhà nước
Vốn cố định hình thành từ ngân sách nhà nước

Chỉ tiêu đánh giá việc sử dụng vốn cố định

Nguồn vốn chỉ phát huy được tác dụng khi nó được sử dụng một cách hợp lý. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp có thể nhận biết được quỹ tài chính có hoạt động hiệu quả hay chưa? Để đánh giá việc sử dụng hiệu quả vốn cố định sẽ dựa vào các tiêu chí sau:

  • Dựa vào hiệu suất sử dụng vốn cố định: Được xác định bằng tỷ lệ tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh và tổng tài sản cố định mà doanh nghiệp sở hữu. Chỉ tiêu này có ý nghĩa phản ánh một đồng vốn sẽ tạo ra bao nhiêu đồng doanh thu hoặc doanh thu thuần trong thời kỳ đó.
  • Tỷ suất lợi nhuận vốn cố định: Xác định bằng tỷ lệ phần trăm giữa lợi nhuận trước thuế và vốn cố định. Nó phản ánh một đồng vốn cố định sẽ tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận.

Trên đây là những chia sẻ về vốn cố định là gì? Cũng như những thông tin bạn cần biết về loại vốn quan trọng này. Hy vọng qua bài viết này các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về vốn cố định và cách sử dụng cho hiệu quả.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *